I. Vị trí địa lý, diện tích, dân số
Bản đồ địa giới Phường Đại Mỗ - Thành Phố Hà Nội
1. Sự hình thành: Phường Đại Mỗ được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Đại Mỗ, Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Đô, Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); Mộ Lao, Dương Nội (quận Hà Đông); Trung Hòa (quận Cầu Giấy); Nhân Chính (quận Thanh Xuân). Lý do lấy tên phường mới là Đại Mỗ: Đại Mỗ là một phường thuộc quận Nam Từ Liêm. Tên gọi Làng Đại Mỗ của Từ Liêm ven Thăng Long thành được đặt dưới thời Tự Đức (1848 - 1883), tôn vinh địa danh nổi tiếng với sản vật lụa, lĩnh và dân cư có phong tục thuần hậu như Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Đại Mỗ bảo đảm truyền thống văn hóa lịch sử và phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các ĐVHC trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.
2. Vị trí địa lý: Phường Đại Mỗ giáp các phường: Yên Hòa, Thanh Xuân, Dương Nội, Tây Mỗ, Hà Đông, Từ Liêm, Xuân Phương, Thanh Liệt của thành phố Hà Nội.
3. Diện tích, dân số: Phường Đại Mỗ có diện tích tự nhiên là 8,10 km2; quy mô dân số là 80.462 người.
TT | Phường hình thành trên cơ sở | Diện tích (km2) | Quy mô dân số (người) | Ghi chú |
1 | Phường Trung Hòa (Quận Cầu Giấy) | 0,17 | 2.944 | Điều chỉnh từ phường Trung Hòa (2,49 km2; 44.388 người) |
2 | Phường Nhân Chính (Quận Thanh Xuân) | 0,09 | 2.620 | Điều chỉnh từ phường Nhân Chính (1,59 km2; 45.508 người) |
3 | Phường Đại Mỗ (Quận Nam Từ Liêm) | 2,74 | 18.668 | Điều chỉnh từ phường Đại Mỗ (5,14 km2; 35.014 người) |
4 | Phường Mễ Trì (Quận Nam Từ Liêm) | 1,75 | 13.467 | Điều chỉnh từ phường Mễ Trì (4,46 km2; 34.289 người) |
5 | Phường Phú Đô (Quận Nam Từ Liêm) | 0,58 | 6.219 | Điều chỉnh từ phường Phú Đô (2,46 km2; 26.151 người) |
6 | Phường Trung Văn (Quận Nam Từ Liêm) | 2,44 | 32.766 | Điều chỉnh từ phường Trung Văn (2,69 km2; 36.176 người) |
7 | Phường Dương Nội (Quận Hà Đông) | 0,22 | 1.415 | Điều chỉnh từ phường Dương Nội (5,95 km2; 38.939 người) |
8 | Phường Mộ Lao (Quận Hà Đông) | 0,11 | 2.363 | Điều chỉnh từ phường Mộ Lao (1,31 km2; 28.711 người) |
| Tổng | 8,10 | 80.462 | |
| | | | |
II. Đặc điểm kinh tế, xã hội
Phường Đại Mỗ nằm tại khu vực cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô. Với vị trí nằm ở điểm hội tụ các tuyến giao thông quan trọng như: đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3, cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Tố Hữu, tuyến xe buýt nhanh BRT, nơi đây trở thành đầu mối giao thông quan trọng kết nối trung tâm nội đô với khu vực vệ tinh như Hòa Lạc, Xuân Mai.
Đại Mỗ thuộc vùng trung tâm mở rộng của Thủ đô, là nơi giao thoa các khu đô thị quy mô lớn và đồng bộ như: Vinhomes Greenbay, Mộ Lao, Trung Văn, cùng với các tổ hợp văn phòng - chung cư - trung tâm thương mại như Charmvit Tower, The Garden,... Đại Mỗ trở thành điểm kết nối vùng lý tưởng, góp phần quan trọng trong việc phát triển mở rộng về phía Tây của Thủ đô Hà Nội.
Phường Đại Mỗ gắn với xu hướng sống thông minh và xanh hóa đô thị, là một không gian đô thị hiện đại, năng động. Có vị thế là khu vực trung chuyển giữa khu trung tâm và hành lang phát triển mới về phía Tây, góp phần điều tiết mật độ dân cư và giảm tải cho các quận nội đô cũ. Phường được định hướng phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại theo Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
1. Đặc điểm kinh tế
Với việc thừa hưởng nền tảng kinh tế vững chắc từ các phường cũ, với trọng tâm là dịch vụ - thương mại - bất động sản, phường Đại Mỗ có tiềm năng phát triển kinh tế - thương mại và dịch vụ chất lượng cao.
Phường Đại Mỗ là một trong những khu vực có tốc độ phát triển bất động sản sôi động nhất Thủ đô. Đây là địa bàn có mật độ doanh nghiệp, dịch vụ dân sinh và tổ chức kinh tế tập trung đông đảo dọc các trục đường Tố Hữu, Nguyễn Trãi, gần các đại đô thị như: Vinhomes Smart City, The Terra An Hưng, Roman Plaza, Khu đô thị Trung Văn, Mandarin Garden,... góp phần định hình nên cấu trúc đô thị kiểu mẫu, thu hút cư dân và giới đầu tư.
Nằm gần các trục giao thông quan trọng như đại lộ Thăng Long, vành đai 3, Tố Hữu, Đại Mỗ trở thành điểm trung chuyển lý tưởng cho: dịch vụ giao nhận - kho vận; dịch vụ hậu cần thương mại điện tử; giao thông vận tải cá nhân - hành khách - hàng hóa. Sự phát triển này thúc đẩy các mô hình kinh tế nền tảng, giao thương liên vùng, và nâng cao tính liên kết vùng trong nội thành Hà Nội.
Phường Đại Mỗ là một trong những phường phát triển kinh tế đô thị năng động, với thế mạnh về dịch vụ - thương mại - bất động sản, đặc biệt là dịch vụ chất lượng cao.
2. Đặc điểm văn hóa - xã hội
Phường Đại Mỗ có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa lâu đời với nhịp sống đô thị hiện đại.
Với di sản văn hóa phong phú, giàu bản sắc truyền thống, phường Đại Mỗ là nơi bảo tồn nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như: đình Đại Mỗ là di tích cấp Quốc gia, thờ Cao Sơn Đại Vương - một trong những vị thần trong Tứ Bất Tử, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng làng quê Việt cổ; lễ hội Phú Đô gắn liền với truyền thống đua ngựa và thờ Thành hoàng làng - một trong những lễ hội dân gian đặc sắc nhất Thủ đô; lễ hội rước xôi làng Đại Mỗ, lễ hội 5 làng Mọc Phùng Khoang,… Đây là những điểm tâm linh quan trọng, gắn kết cộng đồng dân cư với đời sống tâm linh, tín ngưỡng và các giá trị nhân văn. Những di tích này góp phần hình thành nền văn hóa làng - xã cổ truyền, gắn bó lâu đời với các dòng họ, nghề truyền thống và lối sống cộng đồng.
Một số di tích được xếp hạng cấp Quốc gia tiêu biểu như: nhà thờ Nguyễn Quý (được xếp hạng năm 1986), miếu Lạc Thọ đình (được xếp hạng năm 1986), miếu Vườn chùa (được xếp hạng năm 1986), miếu Nhà Cảnh (được xếp hạng năm 1986), đình Ngọc Trục (được xếp hạng năm 1992), chùa Ngọc Trục (được xếp hạng năm 1992), đình Đại Mỗ (được xếp hạng năm 1993), chùa Trùng Quang (được xếp hạng năm 1993)...
Đại Mỗ có cơ cấu dân cư bản địa sống đan xen với lớp cư dân mới là giới trí thức, nhân viên văn phòng, doanh nhân, người trẻ đến từ các tỉnh thành khác về sinh sống tại các khu đô thị hiện đại như: Mandarin Garden, The Terra,… tạo nên đời sống xã hội đa dạng, hiện đại và dân trí cao, hình thành nên môi trường xã hội năng động, văn minh.
Về giáo dục: Đại Mỗ có mạng lưới trường học đa dạng như: Trường Đại học Hà Nội, Trường Quốc tế Nhật Bản (JIS), Trường Quốc tế Việt - Úc (VIS), Trường True North school,… cùng với hệ thống các học viện, trường đại học, trường công lập đạt chuẩn được phân bố đều trên địa bàn, tạo ra môi trường giáo dục đa dạng, chất lượng cao và hội nhập. Đây là lợi thế lớn giúp thu hút các gia đình trẻ, tầng lớp trí thức và chuyên gia trong nước - quốc tế đến sinh sống, làm việc.
Một số trường phổ thông tiêu biểu trên địa bàn như: Trường Mầm non Phùng Khoang, Trường Mầm non Đại Mỗ A, Trường Mầm non Đại Mỗ B; Trường Tiểu học Mễ Trì, Trường Tiểu học Đại Mỗ, Trường Tiểu học Nguyễn Quý Đức; Trường THCS Nguyễn Du - Nam Từ Liêm, Trường THCS Nguyễn Quý Đức, Trường THCS Đại Mỗ, Trường THPT Đại Mỗ, Trường THPT Trung Văn,...
Về y tế: Phường Đại Mỗ sở hữu hệ thống y tế phong phú, đa tầng, có bệnh viện tuyến trung ương là Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an, phòng khám quốc tế, đến trạm y tế cơ sở, đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cư dân, cả khu đô thị hiện đại lẫn khu dân cư truyền thống, phù hợp với định hướng phát triển một đô thị đáng sống và bền vững.
III. Định hướng phát triển
Phường Đại Mỗ thuộc vùng trung tâm mở rộng của Thủ đô, đầu mối các tuyến giao thông quan trọng; phường có tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ chất lượng cao. Từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng - kỹ thuật và phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại, gắn với mô hình TOD.
- Về kinh tế:
Đẩy mạnh phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ, ngành dịch vụ chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế như dịch vụ mua sắm, ẩm thực, dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, khách sạn, vui chơi giải trí. Các trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế sẽ được hình thành, tạo điểm nhấn cho phường Đại Mỗ cũng như cả Thủ đô.
Du lịch MICE, kinh tế đêm là hướng phát triển mũi nhọn để khai thác lợi thế là trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế của phường.
Duy trì hoạt động nông nghiệp phù hợp với quá trình đô thị hóa của phường. Khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sử dụng đất, hạn chế tình trạng đất bỏ hoang, tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp và góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Phát triển mô hình nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực vườn đào Đại Mỗ.
- Về văn hóa, xã hội:
Phát huy các mô hình bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử gắn với lễ hội truyền thống: đình Đại Mỗ, chùa Thanh Xuân, lễ hội rước xôi làng Đại Mỗ, lễ hội 5 làng Mọc Phùng Khoang,…
Số hóa di sản, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận; kiểm kê, lập danh mục và xây dựng kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng bị xuống cấp. Đối với các di tích lịch sử - văn hóa chưa được xếp hạng, cần được đánh giá xếp hạng công nhận và khoanh vùng bảo vệ, tôn tạo hoặc đầu tư xây dựng theo các dự án thích hợp.
Phát triển giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc tế; giáo dục có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao. Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp và hạ tầng, cơ sở vật chất bảo đảm kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa, tiên tiến đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Bố trí quỹ đất để xây dựng các bệnh viện đa khoa đạt chuẩn quốc tế gắn phát triển dịch vụ y tế với du lịch khám, chữa bệnh và nghỉ dưỡng.
- Về hạ tầng, đô thị:
Phát triển đô thị phường Đại Mỗ theo hướng hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội nhằm đảm bảo tính liên kết, hiện đại và đáp ứng nhu cầu dân cư. Phát triển mô hình TOD theo các tuyến đường sắt đô thị qua địa bàn: Tuyến số 05, Tuyến số 10, Tuyến M2.
Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Tập trung đầu tư hoàn thành các dự án hạ tầng cây xanh công cộng, kết hợp trồng cây xanh, lắp đặt các thiết bị thể dục, thể thao tạo thành điểm vui chơi cộng đồng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Hoàn thành đầu tư các dự án nhà ở hỗ trợ khu vực trung tâm (dự án nhà ở xã hội Đại Mỗ).
Nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát trật tự xây dựng đô thị theo đồ án quy hoạch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý đô thị.
- Về môi trường:
Cải tạo phục hồi nguồn nước, kè, kết hợp xây đường giao thông sông Cầu Ngà.
Bảo vệ, chống san lấp các ao, hồ, kênh, mương điều hòa nước mặt; tích cực triển khai công nghệ mới, xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước của hệ thống ao, hồ, phục hồi các dòng sông và hồ nước.
Xây dựng đề án thí điểm xã hội hóa đầu tư cải tạo phục hồi nguồn nước sông Nhuệ.
Phân loại chất thải rắn; thu gom, vận chuyển bằng công nghệ hiện đại; ưu tiên quy hoạch, bố trí trạm tập kết chất thải rắn sinh hoạt tại không gian ngầm để bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.